Đánh giá Tấn_Điệu_công

Xuân Thu Tả thị truyện bàn về chính sách dùng người và trị nước của Tấn Điệu công[57]

Kỳ Hề coi Trung quân, Dương Thiệt Chức làm phó. Ngụy Giáng làm Tư Mã. Trương Lão làm hậu yêm (coi xét, thăm thứ, làm tiền bộ trong quân), Đạt Át Khấu coi Thượng quân, Tuân Yển làm Tư mã dạy cho tướng sĩ, binh lính. Khi hành quân biết hợp tác. Trình Thịnh giữ chức Thặng Tư mã coi hết các phu dịch và săn sóc về ngựa và chiến xa, dạy cho biết lễ nghi phải trái. Các quan trong sáu bộ đều được dân khen, ai cũng làm hết phận sự. Ai biết việc người nấy, không chen vào việc người khác. Tước không vượt quá tài năng. Tướng một đạo quân không dám vượt quyền Nguyên súy. Tướng một lữ không dám vượt quyền Tướng quân. Trong dân gian không thấy có một lời chê. Thế nên có cơ hội phục được nghiệp Bá.

Đại phu đương thời của nước Trịnh là Tử Triển nói về Tấn Điệu công[58]

Vua Tấn ngày nay thông minh, bốn quân không khuyết, tám vị khanh hòa hợp.

Lệnh doãn nước Sở là Tử Nang đánh giá về vua Tấn[59]

Lúc này ta không nên tranh với Tấn. Vua Tấn biết chọn người để giao công việc. Mỗi công vụ có một điều lệ. Các quan biết nhường chỗ cho người có tài có đức hơn. Các đại phu chuyên cần về công việc đã được giao phó. Tướng tá dưới cố theo lệnh trên. Dân nông chăm nghề nông. Công thương cứ giữ nghiệp cũ... Vua Tấn thông minh, các quan trung trực. Người trên biết nhường. Người dưới chăm việc. Lúc này không kình địch với Tấn được.

Theo Xuân Thu sử đánh giá, việc Tấn Điệu công chỉnh đốn nội chánh và những thành công trong công cuộc tranh bá với Sở, thừa nhận ông là một vị quốc quân có năng lực[60].

Tấn Điệu công trong những năm tại vị, cứu Tống, phạt Tề, thảo Trịnh, kết Lỗ, tu Ngô, hòa Nhung trước sau 11 lần hội sư chư hầu. Theo Xuân Thu tả truyện nhân vật phổ tổng kết, ông có ba điểm đáng khen: biết dùng người tài, người chính trực và tiếp thu ý kiến; về đối ngoại biết lấy lễ phục chư hầu; và nhất là thi hành chính trị khoan hòa, lấy đức phục dân. Tuy nhiên cũng chỉ trích ông về những khiếm khuyết như không dẹp yên nước Trần, phạt Tần vô công, và không giúp Vệ bình được nội loạn. Những năm cuối đời Điệu công, đại quyền rơi vào tay họ Trí, họ Phạm và họ Trung Hàng. Đến đời Tấn Bình công xảy ra loạn họ Loan, họ Phạm. Trong cuộc biến loạn đó, họ Phạm tự ý vượt quyền quốc quân mà dụng binh của chư hầu, làm tổn hại đến địa vị của Tấn quốc. Hơn thế nữa, cục diện sáu vị khanh chuyên quyền cũng được nhìn nhận là bắt đầu manh nha từ thời Điệu công[61].